Hiểu đúng để chống đau mắt đỏ, sốt xuất huyết
Không tự mua thuốc trị đau mắt đỏ và truyền dịch khi mắc sốt xuất huyết là 2 lưu ý quan trọng để bệnh không diễn tiến nặng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng
Trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết và đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng tại TP HCM cũng như nhiều địa phương khác, chiều 22-9, Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng và trị đau mắt đỏ, sốt xuất huyết”. Các chuyên gia là khách mời tham gia buổi trực tuyến đã trả lời hàng trăm câu hỏi của bạn đọc liên quan tình hình bệnh, cách điều trị cũng như phòng tránh 2 dịch bệnh trên. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu là đơn vị đồng hành của buổi giao lưu.
Virus gây đau mắt đỏ ở TP HCM thuộc thể nhẹ
Tại buổi giao lưu, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thông tin hiện nay, bệnh đau mắt đỏ được xác định chủ yếu do virus. Cơ chế lây bệnh của tác nhân này thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mắt của người bệnh (ghèn, nước mắt), nếu có viêm hô hấp kèm theo có thể lây nhiễm qua giọt bắn (hắt hơi, sổ mũi, đàm nhớt…).
Để tránh tình trạng bệnh lây lan, người bệnh nên tự cách ly, hạn chế đến những nơi đông người như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em… Người bệnh nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, không dụi tay vào mắt; không dùng khăn chung với các thành viên khác trong gia đình; sử dụng bông gòn tiệt trùng để lau mắt.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên vệ sinh đồ đùng cá nhân, đồ chơi, mền, gối của trẻ em. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện các phương pháp dân gian như lấy nước tiểu rửa ghèn vào sáng sớm. Đây là hành động phản khoa học. “Chúng ta chỉ nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý – vừa an toàn vừa bảo đảm tiệt trùng và không gây bội nhiễm cho người sử dụng” – bác sĩ Ngọc Anh lưu ý.
Trước thắc mắc rằng đau mắt đỏ có tự khỏi không, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Vinh, Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành Khoa Giác mạc – Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết tùy loại virus gây bệnh mà mức độ viêm và biểu hiện lâm sàng khác nhau. Hiện nay, qua khảo sát ở TP HCM cho thấy chủng virus gây đợt dịch đau mắt đỏ nhẹ, thời gian khỏi bệnh ngắn và ít tổn thương trên giác mạc hơn so với các đợt dịch trước.
“Sau 2 tuần, bệnh đau mắt đỏ tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có triệu chứng ngứa, sưng cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đặc biệt, nếu giảm thị lực sau khi mắc bệnh đau mắt đỏ thì nên đi khám để kiểm tra giác mạc. Nếu chỉ giảm thị lực nhẹ thì có thể nhỏ nước mắt nhân tạo” – bác sĩ Vinh tư vấn.
Không tùy tiện dùng kháng sinh
Bác sĩ Lâm Minh Vinh nhấn mạnh nguyên tắc khi được chẩn đoán mắc bệnh đau mắt đỏ thì không nên dùng thuốc có chứa corticoid (như tobradex, dexacol…), trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì có thể làm cho bệnh kéo dài và biến chứng.
Phân tích thêm, PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng, cố vấn Hội đồng Chuyên môn Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu, cho biết theo khuyến cáo của Hội Nhãn khoa Mỹ, kháng sinh chỉ được chỉ định khi xác định được nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn.
“Đối với nước muối sinh lý, thông thường có thể dùng làm dịu mắt đỏ và loại trừ những tác nhân ngoại lai (bụi, bẩn…) bám vào mắt. Tuyệt đối không dùng những loại nước muối sinh lý khác như nước muối sinh lý dùng để súc miệng. Đặc biệt, không tự ý pha nước muối để rửa mắt vì không bảo đảm độ vô trùng, tinh khiết và không bảo đảm áp suất thẩm thấu tương đương với áp suất thẩm thấu của niêm mạc mắt, làm cho mắt bị xốn nhiều hơn” – PGS Dũng khuyến cáo.
Về việc có nên tự mua thuốc nhỏ mắt để trị đau mắt đỏ như Tobidex, Tabrex, PGS Dũng cho rằng điều này không nên. Lý do là vì trong thuốc này có 2 thành phần phải được kê đơn gồm kháng sinh và corticoid. Nếu sử dụng không đúng, có thể dẫn đến lờn thuốc (đề kháng kháng sinh) làm cho thuốc mất hiệu lực trong những lần tiếp theo với bản thân người sử dụng và trong cộng đồng. Đặc biệt, với thuốc chứa corticoid, nếu dùng trong trường hợp nhiễm virus có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn vì thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển của virus ra môi trường xung quanh.
Nguồn: Báo người lao động